Ngày Tết Nhật Bản là một ngày lễ lớn, với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa, truyền thống của xứ sở hoa anh đào. Vậy phong tục ngày Tết của người Nhật Bản là gì và có gì thú vị? Cùng tìm hiểu nhé!
1. Phong tục ngày tết của người Nhật Bản diễn ra vào thời gian nào?
Ngày Tết của Nhật Bản được gọi là Oshougatsu. Người Nhật đón Tết bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 dương lịch. Đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của năm mới và cũng là kỳ nghỉ dài nhất của người Nhật.
Cũng giống như các quốc gia khác, Tết ở Nhật Bản là dịp để các thành viên trong gia đình trở về sum họp và cùng nhau thực hiện các phong tục đón Tết.
2. Những hoạt động vào ngày trước Tết – Phong tục Tết của người Nhật Bản
Phong tục ngày Tết của người Nhật Bản sẽ bắt đầu từ những hoạt động mà người Nhật thường làm vào vài ngày trước dịp Tết. Vậy những hoạt động đó cụ thể là gì và có ý nghĩa như thế nào? Cùng Jellyfish tìm hiểu nhé!
2.1. Tổng vệ sinh nhà cửa – Osouji
Trước ngày Tết, người Nhật thường có một cuộc tổng vệ sinh nhà cửa, công ty, trường học, chùa chiền,… Lý do người Nhật có phong tục này là bởi vì họ tin rằng vị thần năm mới sẽ ghé thăm nhà và mang theo những điều may mắn cho gia chủ trong năm mới nên để đón vị thần này, nhà cửa cần phải thật sạch sẽ và ấm cúng.
2.2. Trang trí nhà cửa ngày Tết
Sau khi dọn dẹp xong, người Nhật sẽ tiến hành trang trí nhà cửa. Đây là một hoạt động không thể thiếu trong phong tục ngày Tết của người Nhật Bản.
Thông thường, người Nhật sẽ trang hoàng nhà cửa vào ngày 28 hoặc ngày 30. Lý do người Nhật lựa chọn hai ngày này là vì số 29 trong tiếng Nhật phát âm gần giống với “Nijyu no kurushimi”, tức “Hai lần nỗi đau” và ngày 31 thì quá sát Tết, cho nên người Nhật thường tránh trang trí nhà cửa vào ngày 29 và 31.
Để trang trí nhà cửa, theo phong tục ngày Tết của người Nhật Bản thì không thể thiếu được những món đồ sau:
- Kadomatsu: Được trang trí bởi 3 ống tre tươi vát chéo và cành thông đánh số lẻ, kèm theo đó là các chi tiết khác để Kadomatsu được đẹp mắt hơn. Đây được xem là dấu hiệu của Thần linh. Người Nhật trang trí Kadomatsu ngay trước nhà.
- Shimekazari: được trang trí ngay lối vào nhà và bàn thờ, nhằm thể hiện ngôi nhà là nơi linh thiêng và có tác dụng trừ tà.
- Kagamimochi: Mâm bánh dày – Mochi cùng một quả quýt Nhật – Mikan bên trên. Đây là nơi các vị thần trú lại khi đến thăm nhà, được đặt ở nơi trang trọng và xinh đẹp nhất của ngôi nhà.
2.3. Viết thiệp chúc Tết – Nengajo
Thiệp chúc Tết thường được người Nhật chuẩn bị trước, thường là sẽ hoàn thành xong vào tháng 12. Những tấm thiệp được in hình 12 con giáp hoặc in ảnh gia đình, kèm với lời chúc tốt đẹp sẽ được gửi đến người thân và những người đã giúp đỡ mình.
Thiệp được gửi đi trước ngày 31/12 để có thể chuyển phát đến người nhận vào đúng ngày 1/1.
3. Phong tục ngày Tết của người Nhật Bản
Phong tục Tết của người Nhật Bản thường rất phong phú và bao gồm nhiều hoạt động, sự kiện độc đáo, thể hiện được nét văn hóa truyền thống đậm chất “xứ sở hoa anh đào”.
3.1. Tham gia lễ hội rung chuông đêm giao thừa – Joya no Kane
Vào đêm giao thừa, các ngôi chùa sẽ gióng lên 108 tiếng chuông thánh thót để đánh dấu thời khắc năm cũ qua đi và năm mới đã đến. Người Nhật quan niệm rằng phong tục này tượng trưng cho sự thanh lọc tâm trí, linh hồn của mọi người trong năm cũ trước khi bước sang năm mới.
3.2. Viếng đền, chùa đầu năm – Hatsumoude
Người Nhật thường có truyền thống viếng đền, chùa vào ngày đầu tiên của năm mới. Các đền, chùa ở Nhật cũng sẽ mở cửa suốt đêm, từ giao thừa đến sáng để người dân có thể đến viếng, cầu nguyện cho bản thân, gia đình, người thân được bình an, hạnh phúc, mong muốn một năm an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe.
Ngoài ra, khi đến viếng đền, chùa vào dịp đầu năm mới, người Nhật thường rút các quẻ bói Omikuji để xem những lời tiên đoán về điều mà có thể xảy ra trong năm.
3.3. Lì xì may mắn – Otoshidama
Cũng giống như một vài quốc gia ở châu Á, lì xì may mắn là một phong tục Tết của người Nhật Bản. Người Nhật thường lì xì cho trẻ sơ sinh và người lớn tuổi với lời cầu chúc cho người nhận thật khỏe mạnh, vạn sự hanh thông, công việc và học tập luôn thăng tiến.
4. Người Nhật thường ăn gì vào dịp Tết? – Phong tục ngày Tết của người Nhật Bản
Theo phong tục ngày Tết của người Nhật Bản, vào mấy ngày Tết, người Nhật thường chuẩn bị một số món ăn truyền thống để thưởng thức cùng gia đình.
4.1. Mì trường thọ Toshikoshi Soba
Ăn mì trường thọ Toshikoshi Soba – là một đặc trưng vào đêm Omisoka. Có nhà ăn mì trường thọ trong bữa tối, nhưng cũng có nhà sau khi dùng bữa tối mới thưởng thức Toshikoshi Soba trong tiếng chuông giao thừa.
Theo người Nhật, ăn mì trường thọ vào đêm giao thừa sẽ giúp họ được sống lâu hơn và cắt đứt vận hạn xấu của năm cũ.
4.2. Osechi Ryori
Osechi Ryori là mâm cỗ ngày Tết rất quan trọng của người Nhật. Bữa ăn đầu năm được chuẩn bị công phu và các thành viên sẽ quây quần thưởng thức cùng nhau vào mùng 1 Tết với mong muốn có một cuộc sống dư dả, sung túc và viên mãn.
4.3. Bánh dày Ozoni
Với mong muốn được các vị thần linh ban may mắn và phát thưởng vào đầu năm, người Nhật thường ăn bánh dày Ozoni vào ngày mùng 1 Tết. Bánh dày Ozoni là một món canh mochi, được nấu từ mochi ninh với thịt gà, rau củ cùng nước dùng Dashi.
4.4. Bánh Kagamimochi
Đây là một loại bánh Mochi cùng một quả quýt Nhật được đặt ở trên, được xem là sự liên kết giữa con người và thần linh. Người Nhật ăn món ăn này với ý nghĩa cầu mong thần linh sẽ ban cho một năm mưa thuận gió hòa, ngập tràn may mắn.
Trên đây là những phong tục ngày Tết của người Nhật Bản. Nếu có cơ hội đến Nhật Bản sinh sống và làm việc, chắc chắn bạn sẽ được hòa mình và trải nghiệm các hoạt động thú vị vào dịp Tết cùng với người dân nơi đây.